Thứ Bảy, 24 tháng 7, 2010

Biên tập phim với Cyberlink PowerDirector 8

Bạn muốn biên tập một đoạn video, “tút” cho video sắc nét hơn, hay tạo một slideshow ảnh sống động để chia sẻ với bạn bè? Tất cả chức năng này đều có trong Cyberlink PowerDirector 8 (CPD).

Phần mềm tương thích với Windows 7/Vista/XP SP2, bộ nhớ RAM 512MB trở lên, dung lượng ổ cứng từ 5GB trở lên, tùy thuộc vào từng tác vụ thực hiện. Tải CPD 8 tại http://tinyurl.com/powerdirector (dung lượng 234.07MB). Sau khi tải về, bạn dùng HJ Split để nối 6 file lại làm một file duy nhất (nếu chưa có, tải tại: http://tinyurl.com/nlzvvm).

1. Giao diện chương trình:

Giao diện chính của CPD 8 gồm các vùng trọng tâm sau:
Library Windows là nơi chứa các hình ảnh cũng như video mà bạn cần chỉnh sửa. Bạn bấm vào biểu tượng hình cái ghế ở góc trái, chọn File > Import… > Media Files…/Media Folder… để nhập khẩu thêm hình ảnh, video vào Library Window. Ngoài ra, bạn cũng có thể thu hình trực tiếp từ máy quay phim, webcam, TV, … thông qua menu Capture.



Thanh Rooms bên trái là tập hợp các hiệu ứng âm thanh, hình ảnh để áp dụng cho video, bạn có thể liên tưởng như đây là dãy phòng phụ trách từng công việc trong quá trình biên tập video vậy.

Dưới cùng là vùng làm việc Editing Workspace, bạn kéo hình ảnh hoặc video từ trên Library Window xuống dòng đầu tiên ở vùng này để nối kết chúng lại thành một bộ phim hoàn chỉnh. Trên cùng là thanh Ruler cho bạn biết thời gian trình chiếu của mỗi ảnh, video, để kéo dài thời gian của chúng, bạn rê chuột vào cho đến khi xuất hiện mũi tên 2 chiều rồi kéo rộng ra.

Bên phải là khung Preview Window cho bạn xem nhanh lại đoạn phim đang làm. Bên cạnh nút Play là 2 thẻ Clip/Movie, bạn chọn Clip để xem từng ảnh, từng video clip, hoặc chọn Movie để xem lại toàn bộ phim (bao gồm nhiều video clip và hình ảnh).

2. Thư viện hiệu ứng:
Ở thanh Rooms liệt kê nhiều biểu tượng tượng trưng cho nhiều loại hiệu ứng khác nhau:
Effect Room (): tại mục này có đến 96 hiệu ứng như làm mờ ảnh, hiệu ứng vẽ chì, hiệu ứng gió thổi, … Khi bấm chuột vào, hiệu ứng sẽ được trình diễn ở khung Preview Window. Để áp dụng cho bộ phim, bạn kéo hiệu ứng đó thả vào dòng thứ 2 trong vùng Editing Workspace, bạn cần xác định thời điểm áp dụng và thời gian áp dụng hiệu ứng bằng cách dựa vào dòng thứ 1, nơi chứa các ảnh, video clip cho bộ phim.

PiP Objects Room (): theo như tên gọi (PiP – Picture in Picture) bạn có thể chèn các hình ảnh nhỏ di chuyển trong bộ phim tại mục này. Để chèn vào phim, bạn kéo thả hiệu ứng vào dòng thứ 3 ở vùng Editing Workspace.

Particle Room (): đây là phòng chứa các hiệu ứng nhỏ như tuyết rơi, pháo hoa, khói thuốc…, cách sử dụng hoàn toàn giống với PiP Objects.



Transition Room (): hiệu ứng chuyển trang giữa từng cảnh trong phim, đơn giản bạn chỉ cần kéo thả hiệu ứng này vào từng ảnh/video trong dòng thứ 1 để áp dụng cho ảnh/video đó. Hoặc bạn bấm nhanh biểu tượng (Apply fading transition to all) để áp dụng cho toàn bộ phim.

Bên cạnh các chức năng trên, trong thanh Rooms còn có các chức năng như tạo tiêu đề, chèn phụ đề cho bộ phim, thu âm trực tiếp, tạo các chapter (giúp bạn dễ dàng đi đến từng cảnh trong phim)…

3. Chỉnh sửa, tạo mới hiệu ứng:
Không chỉ sử dụng hiệu ứng sẵn có, bạn còn thể tạo mới hoặc thay đổi một vài chi tiết. Bạn bấm phải vào hiệu ứng cần sửa trong 2 mục PiP Objects Room và Particle Room > Modify Templates. Tại cửa sổ Designer, bạn sẽ thấy các đối tượng cấu tạo nên hiệu ứng này, bấm > Add Background Image để chèn ảnh nền cho hiệu ứng, hoặc Add Particle Object để thêm một đối tượng chuyển động mới, bạn chọn hướng chuyển động cho đối tượng tại Select emit method và Select particle style, chọn kiểu hoa văn bằng cách bấm nút > Insert a Default Image ở khung Add/Delete Particle (chương trình cung cấp sẵn đến hơn 50 kiểu cho bạn lựa chọn). Nếu muốn lấy ảnh của bạn làm hoa văn, bạn chọn Insert a Custom Image.

Ngoài ra, bạn còn có thể vẽ ra hướng chuyển động của các hoa văn, bằng cách bấm vào nút bên trên.
Cuối cùng, bấm OK > đặt tên cho hiệu ứng vừa tạo.



Bạn có thể truy cập vào website http://directorzone.cyberlink.com/pdr/ để tải thêm các hiệu ứng hoàn toàn miễn phí.

4. Chỉnh sửa video với chất lượng HD:
Với công nghệ TrueTheatre, bạn sẽ dễ dàng biến một video bình thường thành một bộ phim HD sắc nét. Trước tiên bạn cần bấm chọn video cần chỉnh sửa > bấm Fix/Enhance, tiếp theo bạn đánh dấu vào dòng Lighting Adjustment để tăng độ sáng, chọn Video/Audio Denoise để xóa nhiễu trong video/audio, ở khung Enhance bạn đánh dấu vào Video Enhancement để nâng cao chất lượng video, hoặc để thay đổi màu sắc bạn chọn Color Adjustment.
Bạn có thể xem kết quả trước và sau khi sửa trong khung Preview bằng cách đánh dấu chọn Compare video qualities in split preview.



Kết quả:

(Trước khi chỉnh sửa)


(Sau khi chỉnh sửa)

5. Các công cụ tự động:
CPD còn cung cấp cho bạn bộ công cụ Magic, giúp bạn tự động hóa thực hiện các công việc sau:

Magic Movie Wizard (): tự động tạo ra một bộ phim với tiêu đề và nhạc nền mà bạn chỉ cần chỉnh sửa lại một ít theo ý muốn. Khi tạo, bạn sẽ thấy có 3 tùy chọn là Original (tốc độ bình thường), Fast Motion (tốc độ phim nhanh), Slow Motion (tốc độ phim chậm) > Next > ở bước 2, bạn chọn Timeline để ghép toàn bộ các ảnh/video lại > Next > bấm dấu + để thêm nhạc nền > ở bước cuối cùng bạn có thể nhấn Fit Duration to Background Music để độ dài phim xuất ra khớp với nhạc nền.

Magic Fix (): tự động tối ưu chất lượng hình ảnh và video.

Magic Cut (): tự động nhận biết những cảnh quan trọng, và cắt để tạo ra một bộ phim thời lượng ngắn hơn. Dòng Original duration và New duration cho bạn biết thời lượng phim ban đầu và sau khi cắt.



Magic Style (): tự động thiết kế cho bộ phim của bạn có đoạn mở đầu, kết thúc, cũng như hiệu ứng chuyển cảnh chuyên nghiệp hơn.
Lưu ý: Để tách nhạc ra khỏi video, bạn bấm phải lên video, chọn Split Audio.

6. Tạo slideshow ảnh:

Nếu muốn tạo một slideshow ảnh kèm nhạc nền, bạn nhấp chuột chọn tất cả ảnh trong vùng Editing Workspace > bấm nút Slideshow > chọn một kiểu trình diễn ảnh và nhạc nền tại trường Background music. Sau khi bấm Next, bạn bấm Customize để thay đổi lại từng chi tiết phân cảnh trong slideshow.



7. Xuất bản phim:
Sau khi đã làm xong, bạn bấm Produce để xuất ra thành file AVI, MPEG-1, MPEG-2, MPEG-4, H264, WMV, RM, MOV. CPD hỗ trợ bạn upload trực tiếp lên YouTube và Facebook bằng cách đăng nhập vào tài khoản và làm theo hướng dẫn.
Để ghi ra đĩa, bạn bấm Create Disc, chuyển sang thẻ Menu Preferences để tạo và chọn kiểu menu cho đĩa, và chọn loại đĩa thông qua thẻ Disc Preferences (hỗ trợ CD/DVD/Blu-ray). Xong, bấm Burn để ghi ra đĩa.

Không có nhận xét nào: